Mô hình trồng Sen trên vùng đất trũng, hướng đi mới của Hội viên Nông dân
Với đặc tính dễ trồng, thích nghi tốt với những vùng đất trũng, những năm qua cây sen được Chị Nguyễn Thị Loan chọn làm cây trồng phát triển kinh tế thay thế cây lúa. Vào mỗi vụ sen, không chỉ thu hoạch các sản phẩm hoa sen, đài sen mà còn khai thác du khách từ trong và ngoài thị xã đến đây để chụp hình làm lưu niệm. Đặc biệt, mô hình trồng sen vừa cho hiệu quả kinh tế cao vừa giải quyết được vấn đề ruộng đồng bị bỏ hoang do thường xuyên ngập nước.
Vào những ngày giữa
tháng 7 về thăm mô hình trồng sen của gia đình chị Nguyễn Thị Loan hội viên
nông dân chi hội Tiền phong, phường Mai Hùng, chúng tôi ngỡ ngàng bởi sen đã
phủ kín một vùng ruộng trũng khi xưa. Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng sen chị
Nguyễn Thị Loan cho biết: trước đây gia đình chị được Ủy ban nhân dân phường
cho nhận thầu khoán 3500m² tại đồng để canh tác lúa nhưng nguồn thu nhập
mang lại không cao.
Nguyên nhân là do thời
tiết biến đổi thất thường, sâu bệnh, dịch hại thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng
lớn đến năng suất và chất lượng cây trồng. Bên cạnh đó, diện tích canh tác của
gia đình nằm ngoài đê, thuộc vùng đất trũng nên thường xuyên bị ngập úng do mực
nước dâng cao, hàng năm chỉ trồng lúa được một vụ.
Từ những khó khăn trên, Chị
loan đã trăn trở tìm tòi, học hỏi và quyết định chuyển sang canh tác cây trồng
khác có hiệu quả hơn nhằm tăng nguồn thu nhập cho gia đình. “Nhận thấy mô hình trồng
sen phù hợp với vùng đất trũng, nhu cầu về sản phẩm từ sen ngày càng nhiều, mang
lại hiệu quả kinh tế cao nên chị đã quyết định chuyển sang loại cây trồng này”.
Chị Loan cho biết thêm:
“Trồng sen không cần đầu tư quá lớn, thời gian thu hoạch của sen lâu hơn lúa.
Ngoài hoa, người trồng thu hoạch lá, hạt sen, hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa.
Anh Hải chồng Chị Loan đang hái Hoa Sen cho
khách tham quan
Đến nay sau hơn 3 năm
chuyển đổi mô hình, Từ 3500m²
diện tích trồng sen ban đầu đến nay chị đã nhận thầu thêm diện tích đất canh
tác lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng sen nâng diện tích trồng lên hơn 7500m². Sen trồng một vụ/năm, bắt đầu từ tháng 2 hàng
năm và đến khoảng tháng 5 cây sen cho thu hoạch.
Mô hình trồng sen, không
chỉ cho hiệu quả kinh tế cao hơn, trồng sen còn đem lại môi trường sinh thái
trong lành cho người dân trong vùng.
Chia sẻ về hiệu quả kinh
tế mà mô hình đem lại, chị Nguyễn Thị Loan cho biết: “Những vụ được mùa, gia
đình thu hoạch từ hoa sen đạt 5 triệu đồng/sào, ngoài ra chúng tôi thu hoạch lá
sen, kết hợp với dịch vụ cho khách đến tham quan, chụp ảnh tại đầm sen. Trồng
sen không những mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình mà còn giúp môi
trường sinh thái của làng quê thêm trong lành, sạch đẹp, giúp quảng bá vẻ đẹp
của quê hương” và đặc biệt là chuyển đổi được cây trồng kém hiệu quả và là
hướng đi mới để hội viên nông dân phát triển kinh tế vươn lên làm giàu.
Khách du lịch trong và ngoài thị xã đến tham
quan chụp ảnh
Mong muốn được tập huấn kỹ thuật chăm sóc
Mặc dù hiệu quả kinh tế
cao từ mô hình. Tuy nhiên, mô hình này hiện tại vẫn mang tính tự phát, diện
tích trồng nhỏ, chưa có được thị trường tiêu thụ ổn định do đó chưa phát huy
hết giá trị của loại cây trồng tiềm năng này.
Trồng sen phụ thuộc
nhiều vào thời tiết, kỹ thuật chăm sóc còn hạn chế. Thị trường tiêu thụ, đầu ra
cho các sản phẩm từ cây sen còn gặp nhiều khó khăn, các sản phẩm chế biến từ
sen chưa được quan tâm, đầu tư, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn nhiều
hạn chế. Trong thời gian tới đề nghị chính quyền các cấp quan tâm tổ chức mời
các chuyên gia nông nghiệp về hướng dẫn kỹ thuật canh tác sao cho hiệu quả,
hướng tới nhân rộng các mô hình. Tổ chức các đợt tham quan các mô hình trồng
sen trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ về nguồn vốn, các loại giống mới để có thể sản
xuất, trồng được quanh năm đảm bảo số lượng sản phẩm và nhu cầu tham quan của
du khách trong năm./.